Theo khảo sát của CBRE được thực hiện cuối năm 2023, Việt Nam đứng thứ hai bảng xếp hạng các thị trường địa ốc mới nổi được săn đón tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sau Ấn Độ và trên Thái Lan. Trong đó, phân khúc văn phòng và bất động sản công nghiệp được các nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm.
Sự bùng nổ về nhu cầu quản lý chuỗi cung ứng và hậu cần trở thành động lực thúc đẩy tiềm năng của bất động sản công nghiệp. Các chủ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến đất dự án xây dựng nhà ở. Các tài sản gặp khó khăn về pháp lý, nguồn vốn đang được nhiều nhà đầu tư săn lùng tích cực. Điều này cho thấy khả năng phục hồi của thị trường nhà ở tại Việt Nam. Với giai đoạn như hiện nay, bên mua sẽ được hưởng lợi từ bên bán là những nhà đầu tư có nhu cầu thoái vốn sau thời gian dài nắm giữ.
Khảo sát chỉ ra các nhà đầu tư ở Châu Á – Thái Bình Dương đang chuyển chiến lược ưu tiên sang tài sản có thể tăng giá trị hoặc tài sản đang có vấn đề về nguồn vốn, buộc phải giảm giá để đạt được mục tiêu lợi nhuận 2 con số.
Hơn 60% nhà đầu tư nước ngoài có kế hoạch nâng cấp các tòa nhà đắc địa trong danh mục đầu tư theo tiêu chuẩn ESG (môi trường- xã hội và quản trị doanh nghiệp) trong năm 2024. Phần lớn trong số đó là quỹ tư nhân, quỹ bất động sản và quỹ tín thác bất động sản (REITs). Đây cũng là xu hướng nhằm theo đuổi chiến lược gia tăng giá trị tài sản.
CBRE cũng đánh giá nhu cầu mua dự án bất động sản trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương còn khá yếu, trong khi nhu cầu bán dự án ở mức cao. Nhà đầu tư ở hầu hết các thị trường, điển hình như Nhật Bản, sẽ tiếp tục giữ động thái chờ đợi và quan sát trong nửa đầu năm 2024.