Sau một tháng dỡ phong tỏa, hiện giá thuê nhà mặt phố giảm 30-50% đến hết năm, song mặt bằng vẫn trống nhiều.
Khảo sát của VnExpress cho thấy, đến đầu tháng 11, giá thuê mặt bằng kinh doanh vị trí mặt tiền đường ở khắp khu vực trung tâm lẫn ngoại thành TP HCM đều tiếp tục giảm trung bình 30% và cao nhất 50%.
Nguyên nhân là do khách thuê phản ảnh tình hình buôn bán khó khăn hơn trước dẫn đến khó trụ lại khiến nhiều chủ nhà đồng ý kéo dài thời hạn giảm giá đến hết năm nay. Động thái này để kích cầu trong bối cảnh mặt bằng vẫn bị bỏ trống nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tại khu vực trung tâm quận 1, mặt bằng cho thuê dọc theo các tuyến đường Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tùng Mậu hiện khá đìu hiu. Nhiều nhà mặt tiền bỏ trống từ năm 2020 đến nay vẫn chưa tìm được khách thuê. Ông Nhân, môi giới có thâm niên gần chục năm cho thuê mặt bằng kinh doanh khu vực quận 1 và quận 3 cho biết, danh sách nhà mặt tiền trống khách thuê khu trung tâm đang ở mức cao nhất trong vòng một thập kỷ qua và giá chào thuê vẫn tiếp đà giảm để tránh tình trạng mặt bằng trống.
Dù người dân thành phố đang bước vào giai đoạn bình thường mới, sống chung với đại dịch nhưng bán buôn, kinh doanh vẫn chưa kịp “hồi sức” nên mặt bằng ế khá nhiều.
“Để tránh mặt bằng bị bỏ trống, các chủ nhà vẫn tiếp tục áp dụng chính sách giảm giá 30-50% trong quý IV để hỗ trợ khách thuê hiện hữu như giai đoạn giãn cách xã hội”, ông Nhân nói.
Trong khi đó, ông Minh, chủ hai căn nhà phố mặt tiền cho thuê trên trục đường Lê Văn Sỹ, Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận cho hay, dù TP HCM đã dỡ phong tỏa, hiện ông vẫn giảm giá thuê 30% đến cận Tết cho khách thuê có thời gian phục hồi kinh doanh, Trước đó, từ tháng 6 đến tháng 9, ông Minh cũng đã giảm giá 50% cho khách.
Ở khu vực ngoại thành, đến tháng 11, giá thuê mặt bằng cũng duy trì đà giảm sâu như đợt cao điểm phong tỏa 4 tháng qua. Bà Quý, chủ một căn nhà phố mặt tiền đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức xác nhận đang áp dụng mức giảm giá 50%, bằng với đà giảm từ tháng 6-10 cho khách thuê tái khởi động kinh doanh hậu giãn cách.
Bà Quý cho biết, từ đầu đợt dịch lần thứ tư, tức tháng 5 vừa qua, bà chấp nhận bán sớm đất vùng ven để tranh thủ dòng tiền trả nợ ngân hàng cho căn nhà mặt tiền Phạm Văn Đồng. Nhờ đó, nợ gốc và lãi nhẹ gánh hơn trước mới đủ sức giảm giá thuê mặt bằng cho khách thuê hiện hữu từ tháng 6 đến nay.
“Tôi cố gắng gồng gánh giảm giá thuê 50% đến qua Tết vì gần nửa năm qua khách thuê chẳng kinh doanh được gì. Tình thế hiện nay, chủ và khách tiếp sức cho nhau cùng vượt khó, nếu chủ nhà không chia sẻ khó khăn, khách thuê cũng dọn đi vì kinh doanh không hiệu quả”, bà Quý nói.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch VNO Group xác nhận, từ đầu tháng 10 đến nay, giá thuê nhà phố lẻ làm mặt bằng bán buôn, kinh doanh tại TP HCM vẫn chịu sức ép giảm giá rất lớn đến tận cuối năm.
Theo ông, đa số các chủ nhà vẫn duy trì đà giảm giá thuê cho nhóm khách hàng đang ký hợp đồng hiện hữu để tránh tình trạng khách cũ dọn đi. Do tác động của đợt dịch lần thứ tư khá nặng nề, hiện nhiều nhà phố mặt tiền bỏ trống. Đây là giai đoạn có nhiều mặt bằng đẹp để chọn lựa và dễ đàm phán giá thuê nhất trong vòng một thập niên qua.
Tuy nhiên, theo ông Hải, không phải chủ nhà nào cũng có thể giảm giá thuê dài hạn cho khách thuê do phụ thuộc vào tiềm lực tài chính của các chủ tài sản. Với các chủ nhà không bị áp lực vốn vay, mức hỗ trợ giảm giá duy trì ở mức cao và kéo dài. Song những chủ nhà vướng chi phí tài chính, mức giảm giá thấp hơn và ngắn hạn hơn, thậm chí có trường hợp dừng giảm giá thuê khi dỡ phong tỏa.
Ông Hải dự báo, giá thuê mặt bằng kinh doanh đang đứng trước giai đoạn “lửa thử vàng” với đà điều chỉnh mạnh nhất lịch sử do tác động của dịch bệnh. Diễn biến giá thuê mặt bằng sẽ phụ thuộc rất lớn vào tốc độ hồi phục kinh tế, đặc biệt là sự hồi phục của thị trường bán lẻ và ngành dịch vụ trong thời gian tới.
Nguồn: Báo VNExpress