Để sống chung với Covid-19 và hạn chế rủi ro, doanh nghiệp thuê văn phòng hiện cắt giảm chi phí, thuê ngắn hạn, chỉ thanh toán từng tháng.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch VNO Group, đơn vị đang quản lý và vận hành hơn 10 tòa văn phòng tại TP HCM cho biết, sau 2 tháng dỡ phong tỏa, thị trường văn phòng ghi nhận lượng hợp đồng chốt thuê tăng lên ở phân khúc 15 USD một m2.
Khách thuê trở lại thị trường đa phần là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), ngành nghề khá đa dạng. Qua khảo sát nhanh dựa trên hành vi cuả khách hàng, ông Hải cho biết có 3 xu hướng thuê văn phòng được các doanh nghiệp ưu tiên trong giai đoạn “thắt lưng buộc bụng” để sống chung với dịch.
Tiết kiệm ngân sách
Để thích ứng với giai đoạn sống chung với Covid-19 và hạn chế rủi ro khi dịch bùng phát trở lại, các doanh nghiệp hiện kiểm soát chi phí thuê văn phòng chặt chẽ và tiết kiệm hơn so với trước khi dịch bùng phát.
Điều này thể hiện qua nhu cầu thuê diện tích văn phòng vừa phải, không quá lớn, phổ biến 50-200 m2 thay vì mức 150-400 m2 trước đây. Việc thu hẹp diện tích thuê là do doanh nghiệp có sự bố trí nhân sự làm việc tại văn phòng và làm việc tại nhà linh hoạt hơn, không đòi hỏi quá nhiều chỗ làm việc để tiết kiệm tiền mặt bằng, đồng thời cũng cắt giảm được chi phí năng lượng (tiền điện, điều hòa).
Mặt khác, ngân sách dành cho thuê văn phòng cũng có xu hướng dè xẻn hơn so với trước đây. Hiện ngân sách phổ biến của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi thuê văn phòng dao động 17-70 triệu đồng một tháng tùy theo diện tích. Ngân sách thuê này đang thấp hơn so với mức 30-100 triệu đồng một tháng giai đoạn dịch Covid-19 chưa bùng phát, đối với doanh nghiệp SME.
Hợp đồng thuê ngắn và chi tiết hơn
Ông Hải cho biết, Covid-19 đang thay đổi tâm lý của doanh nghiệp thuê văn phòng rất lớn. Nếu trước đây, trong điều kiện bình thường, bên cho thuê chiếm ưu thế vì cung ít cầu nhiều, nay khách thuê có nhiều lợi thế đàm phán hợp đồng thuê. 2 yếu tố đang thay đổi nhiều nhất trong hợp đồng thuê là thời gian thỏa thuận thuê ngắn lại và các mức đàm phán về điều kiện bất khả kháng chi tiết hơn trước.
Cụ thể, trong 2 tháng qua, doanh nghiệp SME có xu hướng mong muốn thời gian thuê văn phòng rút ngắn lại để dự phòng rủi ro phải bồi thường hợp đồng khi xảy ra các điều kiện kinh doanh bất lợi. Nếu trước đại dịch, thời hạn thuê văn phòng phổ biến 2-3 năm, có khách thuê muốn giữ vị trí đẹp còn ký thuê tận 5 năm, nay các hợp đồng 6-12 tháng bắt đầu xuất hiện nhiều. Do trong giai đoạn sống chung với dịch nên bên cho thuê vẫn chấp nhận các đề nghị thời hạn thuê rút ngắn từ 2 đến 4 quý.
Ngoài ra, việc đàm phán điều kiện bất khả kháng của doanh nghiệp thuê văn phòng hiện nay cũng rất chi tiết. Việc các hợp đồng thuê đưa vào điều kiện dịch bệnh (Covid-19), tỉnh, thành phố áp dụng các chỉ thị giãn cách, phong tỏa sẽ tương ứng với những mức giảm giá thuê phù hợp. Đây được xem là cách hạn chế rủi ro của các doanh nghiệp SME khi đi thuê văn phòng hiện nay.
Thanh toán linh hoạt
Chủ tịch VNO Group giải thích, ngay cả các hình thức thanh toán tiền thuê văn phòng cũng đã thay đổi cho phù hợp với giai đoạn hậu giãn cách. Trước đây, doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận trả trước tiền thuê 3 tháng một lần, đặt cọc trước 3-6 tháng để lấy mặt bằng sớm. Nay việc thanh toán tiền thuê văn phòng theo từng tháng lại khá phổ biến. Việc đặt cọc cũng chỉ thể hiện ở mức 1-2 tháng, hiếm có khách nào chịu đặt cọc 3-6 tháng.
Ông Hải phân tích, thị trường văn phòng đang điều chỉnh theo hướng khách thuê thận trọng hơn, ngân sách thuê thấp hơn. Nguyên nhân là túi tiền khách thuê hiện nay bị hạn chế, sức chịu đựng của doanh nghiệp SME cũng đã suy giảm đi đáng kể do tác động nặng nề của Covid-19.
Vì vậy, doanh nghiệp dè xẻn chi phí thuê văn phòng để dự phòng rủi ro cho những biến cố ngoài ý muốn, cũng là cách họ tự bảo vệ mình. “Sẽ cần thêm nhiều thời gian để doanh nghiệp hồi phục. Trên cơ sở đó, các nhu cầu thuê văn phòng mới sẽ thay đổi theo hướng tích cực hơn như ngân sách tăng lên và thời gian thuê dài hơn”, ông Hải nhận định.
Nguồn: Báo VNExpress